Bạn có biết các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta về những rủi ro tiềm tàng của bột TALC ( talcum) từ những năm 1960? Bột talcum là một sản phẩm khoáng sản được sử dụng trong phấn rôm và nhiều mỹ phẩm khác. Mặc dù các nghiên cứu sức khoẻ đã được công bố cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng bột talc và ung thư buồng trứng, hàng triệu nam giới và phụ nữ vẫn sử dụng nó để hút ẩm và tăng cường độ tươi tắn của da. (1) Trên thực tế, nó vẫn là một thành phần phổ biến nhằm ngăn ngừa hăm tã được sử dụng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Johnson & Johnson đã trả hơn 700 triệu đô la trong những vụ kiện liên quan đến bột talc/ ung thư buồng trứng vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, người ta vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm có chứa talc cho bản thân và con của họ. Có lẽ họ không bị thuyết phục về những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của bột talc, mặc dù nhiều nghiên cứu và bệnh án đã chỉ ra rõ ràng những nguy cơ của nó.
Các báo cáo trước đây đã làm rõ – bạn không bao giờ nên sử dụng phấn rôm hoặc các sản phẩm có chứa talc lên da. Thậm chí hít phải những sản phẩm này cũng có vấn đề. Tin vui là có nhiều lựa chọn tự nhiên thay thế cho bột talc hoàn toàn an toàn và có hiệu quả tương đương.
Tác dụng của phấn rôm là gì?
Phấn rôm thường được sử dụng để hấp thu độ ẩm và giảm ma sát. Khi dùng trên da nó có thể giúp ngăn ngừa nổi mề đay và các chứng kích ứng da khác như trầy xước. Nhiều phụ nữ sử dụng phấn rôm vào đồ lót, nách để giữ cho những vùng đó thoáng mát và khô ráo.
Bột talc cũng thường được thêm vào các sản phẩm trang điểm như kem nền và mỹ phẩm dạng bột để ngăn ngừa sự vón cục và đảm bảo sự mịn màng. Người lớn thường dùng nó cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để ngăn ngừa sự phát triển quá mức của vi khuẩn, nấm men và hăm tã.
Phấn rôm là tên sản phẩm cho bột talc, được làm từ talc, một loại đất sét khoáng chứa magiê, silicon và oxy. Talc được khai thác gần amiăng, một loại khoáng chất tự nhiên có thể gây ung thư. Theo thông tin từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, “để ngăn ngừa ô nhiễm talc do amiăng, cần phải cẩn thận lựa chọn các mỏ khai thác talc và thực hiện đầy đủ các bước để tinh chế quặng.” (2)
Mặc dù FDA cho rằng việc mỹ phẩm chứa talc bị ô nhiễm do amiăng là không chấp nhận được, nhưng không có chỉ thị nào của liên bang trong việc kiểm tra và phê chuẩn các sản phẩm và thành phần mỹ phẩm trước khi đưa chúng lên kệ. Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề an toàn của talc trong bột và các sản phẩm mỹ phẩm, FDA đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 2009 và 2010.
FDA yêu cầu 9 nhà cung cấp talc tham gia cuộc khảo sát bằng cách gửi mẫu talc của họ. Trong 9 nhà cung cấp, chỉ có 4 công ty tuân theo yêu cầu. Trong khi đó, FDA đã kiểm tra 34 loại mỹ phẩm được tiêu thụ trong các cửa hàng bán lẻ ở khu vực Washington DC và kiểm tra xem liệu chúng có bị ô nhiễm amiăng không. Cuộc khảo sát không tìm thấy chất amiăng trong bất kỳ mẫu hoặc sản phẩm nào được phân tích, nhưng FDA cho biết những phát hiện này bị hạn chế bởi vì chỉ có bốn nhà cung cấp đưa ra mẫu và cuộc thử nghiệm đã bị giới hạn chỉ trong 34 sản phẩm. Do đó, cuộc khảo sát này không chứng minh rằng hầu hết hoặc tất cả các sản phẩm có chứa talc được bán ở Hoa Kỳ không bị ô nhiễm amiăng. (3)
CÁC MỐI ĐE DỌA VỀ UNG THƯ DO PHẤN RÔM VÀ HƠN THẾ NỮA
Ung thư buồng trứng
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu ở phụ nữ cho thấy mối liên kết giữa bột talc với ung thư buồng trứng. Khi một phụ nữ sử dụng phấn rôm hoặc bất kỳ sản phẩm chứa talc nào vào vùng sinh dục của mình, các hạt bột có thể đi qua âm đạo, vào tử cung và ống dẫn trứng và buồng trứng. (4)
Nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối lên hệ giữa talc và ung thư buồng trứng xuất hiện vào năm 1971, khi các hạt talc xuất hiện trong các khối u buồng trứng và u tử cung. Sau đó, vào năm 1982, một nghiên cứu liên hệ việc sử dụng talc lên bộ phận sinh dục với ung thư buồng trứng. Kể từ đó, hàng chục nghiên cứu cho thấy một mối liên hệ mạnh mẽ.
Một nghiên cứu năm 2016 được tiến hành tại Boston và công bố trong Epidemiology đã phân tích mối liên quan giữa ung thư buồng trứng và việc sử dụng talc ở bộ phận sinh dục. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát việc sử dụng talc trong số 2041 phụ nữ bị ung thư buồng trứng và 2100 phụ nữ cùng lứa tuổi và địa điểm địa lý. Dữ liệu cho thấy việc sử dụng talc ở bộ phận sinh dục làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng lên 33%. Nguy cơ ung thư giảm đi khi phụ nữ ngừng sử dụng bột talc ở vùng sinh dục của mình. Những người sử dụng bột talc thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ mắc phải ung thư buồng trứng cao hơn. (5)
Một nghiên cứu khác được công bố trong Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention, được thực hiện với hơn 1300 phụ nữ Mỹ gốc Phi. Việc sử dụng phấn rôm phổ biến ở 62,8% phụ nữ bị ung thư buồng trứng, chứng tỏ mối liên hệ giữa sử dụng bột trẻ em và nguy cơ ung thư buồng trứng. (6)
Theo một bài báo trên tờ New York Times xuất bản vào tháng 8 năm 2017, một thẩm phán đã yêu cầu Johnson & Johnson bồi thường 417 triệu đô la cho một phụ nữ 63 tuổi bị ung thư buồng trứng sau khi dùng phấn rôm ở vùng sinh dục khi bà ta mười một tuổi. Đã có hơn 5.000 trường hợp liên quan tới phấn rôm chống lại Johnson & Johnson, với các vụ kiện tuyên bố những tác động gây ung thư. Thiệt hại cho Johnson & Johnson giữa 2016 và 2017 đã vượt quá 700 triệu đô la. (7)
Ung thư phổi
Mặc dù việc chỉ hít phải bột talc có thể không liên quan trực tiếp đến sự phát triển của ung thư phổi, nhưng có những nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nguy cơ ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác ở các thợ mỏ talc và chủ xưởng bột talc. Điều này rất có thể do các dạng amiăng khác nhau có thể tiếp xúc với talc.
Một bản đánh giá bằng chứng năm 2015 được xuất bản trong Occupational and Environmental Medicine đã phát hiện thấy tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi tăng lên giữa các thợ mỏ talc. Tuy nhiên, việc tiếp xúc talc có thể đã bị nhầm lẫn với các chất gây ung thư khác và dữ liệu không thể điều chỉnh để chỉ đo mức độ ảnh hưởng của talc. (8)
Một nghiên cứu khác, xuất bản trên American Journal of Epidemiology, đã đánh giá nguy cơ ung thư phổi và bệnh hô hấp trong những người lao động tiếp xúc với chất talc không chứa amiăng và silica trong sản xuất bồn rửa mặt. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng các công nhân tiếp xúc với hàm lượng silica cao và không có talc không phải đối mặt với nguy cơ nhiễm ung thư phổi. Tuy nhiên, những công nhân tiếp xúc với talc và với mức silica cao có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 2,5 lần. Tỉ lệ tử vong tăng lên khi người ta tiếp xúc với talc ở nơi làm việc lâu hơn. (9)
Các bệnh về phổi
Hít phải các hạt nhỏ tạo thành bột talc có thể dẫn đến kích ứng phổi và suy hô hấp. Sử dụng liên tục hoặc tiếp xúc với bột talc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Ngay cả bột talc không có chất amiăng cũng có thể gây kích ứng và viêm hệ hô hấp khi ăn vào hoặc hít phải.
Bệnh phổi nhiễm bụi talc (pulmonary talcosis) là một rối loạn hiếm hoi gây ra bởi việc hít phải talc thông qua tiếp xúc nghề nghiệp hoặc liên tục hít phải hoặc nuốt phải. Một báo cáo được công bố trong Bệnh án BMJ mô tả một phụ nữ 24 tuổi có thói quen 4 tháng hít bột talc mỹ phẩm trong 4 tháng. Cô bị bệnh talcosis 10 năm sau. Bệnh này liên quan đến viêm, ho mãn tính và khó thở. (10)
Các bệnh về đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Nhiều bệnh án của trẻ sơ sinh và trẻ em mẫu giáo cho thấy những tác hại của bột talc. Các báo cáo trung tâm kiểm soát độc tính cho thấy các rắc rối liên quan đến việc hít phải talc trong khi thay tã hoặc thay quần áo cho trẻ. Khi trẻ sơ sinh hoặc trẻ em hít phải những hạt nhỏ xíu trong phấn rôm, nó có thể làm khô niêm mạc và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp. Có thể xuất hiện tổn thương phổi nghiêm trọng nếu hít phải một lượng bột đủ nhiều cùng 1 lúc hoặc theo thời gian. (11)
Một bệnh án xuất bản trong BMJ mô tả một em bé 12 tuần tuổi vô tình bị hít vào và nuốt phải bột phấn rôm bị đổ lên mặt trong khi thay tã. Đứa bé ngay lập tức ho và nghẹn bột, rồi nôn và không ăn. Bốn giờ sau, đứa bé được đưa vào viện với những khó khăn nghiêm trọng trong việc hô hấp. Ba mươi phút sau khi nhập viện, tình trạng của đứa bé xấu đi và nó bị ngạt thở. Sau khi đường thở được an toàn, nó nôn ra một chất trắng trông giống talc. (12)
U hạt
U hạt mỡ talc xảy ra khi những người dùng thuốc tiêm tĩnh mạch tiêm thuốc có chứa talc được dùng để uống. Talc được sử dụng trong các viên thuốc này để giữ các thành phần của thuốc với nhau. Tiêm talc vào mạch máu có thể gây tắc nghẽn động mạch, mất máu truyền đến mô xương và hình thành u hạt trong phổi. U hạt được hình thành bởi một nhiễm trùng hoặc viêm do sự hiện diện của một chất lạ. (13)
Bột Talc thường xuất hiện ở đâu?
Talc không chỉ có trong phấn rôm; trên thực tế, nó còn ở trong các sản phẩm mà ta sử dụng hàng ngày. Dưới đây là danh sách các sản phẩm tiêu biểu có chứa talc:
- Bom tắm
- Xà phòng
- Lotion
- Sản phẩm vệ sinh phụ nữ
- Phấn má
- Phấn tạo khối
- Phấn phủ
- Kem nền
- Phấn mắt
- Son môi
- Mặt nạ
- Kem đánh răng
- Sản phẩm khử mùi
Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào trong số này, hãy tìm thành phần “talcum powder” hoặc “cosmetic talc” trên nhãn của chúng. Hãy chọn các công ty xác nhận sản phẩm của họ là không có talc, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng bột hoặc kem dưỡng da cho vùng xương chậu.
Giải pháp thay thế tốt hơn cho các sản phẩm có chứa Talc
Có rất nhiều cách tự nhiên và an toàn để ngăn ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thay vì dựa vào các sản phẩm thương mại để sử dụng trên da của bé, hãy tự làm một loại kem dưỡng da có chứa dầu dừa, sáp ong, bơ hạt mỡ, hạt phỉ và calendula. Kem hăm tã tự làm này sẽ giúp giảm viêm và kích ứng da mà không gây nguy hiểm cho bé.
Dầu magiê là một lựa chọn an toàn khác. Nó có đặc tính chống viêm và chữa lành vết thương có thể giúp chữa lành vết hăm tã một cách nhanh chóng.
The An tổng hợp và dịch