THÂN TẶNG: Những bà mẹ có con nhỏ, đang mang thai, những bạn có làn da mỏng và nhạy cảm hay bất cứ ai yêu quý làn da và cơ thể mình.
Đây là câu chuyện mà mình nghĩ tất cả chúng ta nên đọc. Câu chuyện là tự thuật ngắn của Lily Tse, sáng lập ứng dụng Think Dirty đánh giá độ an toàn của mỹ phẩm. Hãy cùng tìm hiểu quá trình cô từ một người nghiện spa, và các sản phẩm làm đẹp không an toàn trở thành người sáng lập của một trong những ứng dụng mỹ phẩm được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Câu chuyện của một người mê Spa
Mỗi khi có một ngày mệt mỏi với công việc, tôi lại lượn đến cửa hàng gần nhất để mua một tá sản phẩm tắm gội và ngâm mình trong bồn tắm nhỏ của mình. Chưa bao giờ tôi có thể nghĩ rằng khoảng thời gian tắm gội và làm đẹp của mình lại có thể gây hại cho sức khỏe của tôi. Cho đến một tối, đang ngâm mình trong nước nóng, tôi nảy ra ý định thử tìm hiểu xem có gì trong chai dầu tắm thư giãn hoa oải hương mình vừa cho vào bồn. Những gì tìm hiểu được sau đó khiến tôi shock nặng.
Trái ngược với thiết kế layout hoàn hảo, font chữ và cách thể hiện dễ đọc ở mặt trước của sản phẩm, mục thành phần ở phía sau vô cùng nhỏ, với toàn những cái tên hóa học viết sát vào nhau. Phải khó khăn lắm tôi mới đọc được: “Nước, Sodium Myreth Sulfate, Cocamidopropyl Betaine, Decyl Glucoside, Sodium Chloride, Lavandula Angustifolia (oải hương) Oil, Sodium Hydroxymethylglycinate.”
Tôi chỉ có thể hiểu được 2 từ trong mớ thuật ngữ đó: nước và oải hương. Sau đó tôi bắt đầu tìm kiếm trên Google về những cái tên còn lại. Khi tìm đến “Sodium Hydroxymethylglycinate” và biết được rằng đó là chất phóng thích formaldehyde tôi đã giật nảy mình (formaldehyde là một hợp chất thường sử dụng trong sản phẩm gia dụng – gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe cho người tiếp xúc thường xuyên trong ngắn hạn lẫn dài hạn, bao gồm cả ung thư). Tôi tưởng mình đã mua dầu tắm thư giãn cơ mà.
Sau đó tôi nhận ra, vấn đề có vẻ phức tạp hơn việc tra cứu thành phần mỹ phẩm. Có đến 80000 nhóm hóa chất khác nhau được sử dụng trong ngành công nghiệp làm đẹp – làm thế nào chúng ta biết được làn da, cơ thể mình đang tiếp xúc với những gì ?
Đó là câu hỏi khởi đầu cho hành trình đánh giá các nhãn hiệu sản phẩm và tạo dựng Think Dirty, một ứng dụng giúp người mua sản phẩm làm đẹp tìm kiếm và mua những sản phẩm an toàn nhất.
Trong cơ sở dữ liệu của Think Dirty, chúng tôi khám phá hơn 40000 cái tên khác nhau được sử dụng cho cùng một số thành phần. Với quá nhiều cái tên viết tắt, bất kỳ người tiêu dùng nào cũng phải nỗ lực tôt bậc nếu muốn hiểu rõ về các thành phần đó.
Một cách chậm chạp, thị trường sản phẩm làm đẹp cũng đã loại bỏ dần các sản phẩm chứa một vài hóa chất gây quan ngại. Ví dụ nổi tiếng nhất là Triclosan. Avon, L’Oreal, The Body Shop đều từng có sản phẩm sử dụng thành phần này. Triclosan gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, như làm giảm khả năng miễn dịch và mất cân bằng nội tiết tố (hormone). Khoảng đầu 1978, FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã đề xuất loại bỏ hóa chất này khỏi tất cả các sản phẩm làm đẹp. Sau 30 năm, Triclosan hiện vẫn phổ biến trong các sản phẩm tiêu dùng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 75% người tham gia có chứa triclosan trong cơ thể và chất thải.
Theo bài báo Making Chemistry Green (Xanh Hóa Mỹ Phẩm) trên tờ New York Times, cần mất trung bình 14 năm kể từ khi các nhà khoa học lên tiếng về một thành phần, cho đến lúc các nhà làm luật của Mỹ bắt đầu hành động. Tức là chúng ta sẽ sử dụng đến vài trăm sản phẩm không an toàn trong hơn một thập kỷ cho đến khi Chính phủ đưa ra những thông tin và luật lệ chính thức.
Làm đẹp và chăm sóc cá nhân là một thị trường tỷ đô. Các thương hiệu biết rằng việc mua sắm đôi khi liên quan nhiều hơn đến cảm xúc thay vì cân nhắc các thông tin sản phẩm. Sự ám ảnh của chúng ta với các thương hiệu thường ngắn hạn và bị đẩy lên bởi kỳ vọng thái quá và hiệu ứng đám đông tạo ra bởi những nỗi sợ vô lý hoặc các quảng cáo khéo léo của các thương hiệu.
Giống như nhiều phụ nữ khác, sự trung thành của tôi với các hãng mỹ phẩm thay đổi theo giai đoạn cuộc đời và cảm giác thiếu an toàn. Hồi cấp 3, tôi không thích bắp đùi của mình lắm và mơ mộng rằng các loại gel “nghiền mịn” sẽ mang lại hiệu quả dù chỉ 1/10 mức tôi mong đợi.
Sang đến những năm đầu 20, bị cuốn hút bởi những câu khẩu hiệu “gấp 3 lần”, tôi chạy theo lời hứa về “lông mi đen huyền”. Sau đó, những vết tàn nhang trên mặt lại khiến tôi dấy lên nỗi sợ ung thư da và tốn một mớ tiền vào các sản phẩm SPF cao (50, 80, thậm chí 105) cho dù SPF cao hơn chẳng mang lại chút giá trị bảo vệ da nào so với mức 25, 30.
Sang đến những năm đầu 30, nỗi sợ lão hóa bắt đầu xuất hiện. Tôi truy tìm các sản phẩm hay đúng hơn là phép màu chống lão hóa. Tôi dễ dàng bị lừa bởi một câu chuyện về một vị bác sỹ vô danh, người tự chữa lành bản thân nhờ vài loại kem dưỡng tảo biển thần kỳ. Bỏ ra 150$ cho 250ml sản phẩm, lúc đó tôi nghĩ mình đã mua được sản phẩm cho cả quãng đời còn lại. Nói cho cùng thì, ai có thể đặt giá cho sự trẻ trung? Đến tận giờ, tôi vẫn không tìm nổi chút thông tin xác thực nào về câu chuyện của vị bác sỹ này.
Là những người mẹ, con gái, dì, bạn gái, chị gái, chúng ta đánh giá cao và khuyến khích lẫn nhau dành thời gian để chăm sóc bản thân dù có bận bịu đến mấy. Nhưng định nghĩa về “chăm-sóc-vẻ-đẹp” lại thường được hiểu như dành tiền bạc của bản thân để mua sắm các sản phẩm thương hiệu để xử lý các vấn đề cục bộ trên cơ thể. Chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng với vóc dáng, khuôn mặt của mình, và đó là lý do mà thị trường luôn xuất hiện các sản phẩm “mới và cải thiện hơn”. Chúng ta nhìn vào lời hứa từ các sản phẩm “thần kỳ” này, chỉ tập trung vào những gì có trong những lời giới thiệu mà quên khuấy mất việc đặt câu hỏi về tính an toàn của những gì có trong đó. Đã đến lúc chúng ta nên có một định nghĩa mới về “chăm-sóc-vẻ-đẹp”. Thay vì lựa chọn tùy ý các nhãn mỹ phẩm, bảo vệ sức khỏe và môi trường phải là tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn mỹ phẩm của chúng ta. Như bước đầu tiên của một hành trình lâu dài, hãy học cách tránh những sản phẩm chứa hóa chất sau đây:
Top 20 nhóm hóa chất phải tránh trong mỹ phẩm – Think Dirty
HƯƠNG LIỆU NHÂN TẠO (SYNTHETIC FRAGRANCE)
Thường được sử dụng như một thành phần tạo mùi, hoặc khử mùi. Về mặt luật pháp, hương liệu nhân tạo không bị cấm sử dụng. Trong hầu hết các hương liệu nhân tạo đều chứa nhóm Phathlates (có nguy cơ gây ung thư). Đôi khi chúng ta sẽ gặp hỗn hợp giữa hương liệu tự nhiên và nhân tạo. Hãng P&G có đến 2000 sản sử dụng hương liệu nhân tạo.
DMDM HYDANTOIN, DIAZOLIDINYL UREA, IMIDAZOLIDINYL UREA, METHENAMINE, QUATERNIUM-15, và SODIUM HYDROXYMETHYLGLYCINATE
nhóm chất bảo quản phổ biến trong mỹ phẩm. Các thành phần này liên tục giải phóng formaldehyde (được xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư cao với con người bởi IARC – Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Ung thư)
DEA/TEA/MEA
Diethanolamine (DEA) gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới, hủy hoại cấu trúc và khả năng di chuyển của tinh trùng. Nếu đi cùng nitrosamines sẽ tạo thành NDEA có khả năng gây ung thư gan và thận ở chuột. Ủy ban Châu Âu đã ban hành lệnh cấm sử dụng DEA trong mỹ phẩm. DEA cũng được liệt kê trong Danh Sách của Bộ Y Tế Canada
ETHOXYLATED (ETHYLENE OXIDE) SURFACTANTS và 1,4-DIOXANE
IARC (Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Ung thư) đã xếp loại ethylene oxide vào nhóm 1, nhóm gây ung thư đối với con người. 1,4-dioxane được xếp vào nhóm 2B, nhóm có thể gây ung thư với con người. Thật không may, dù chúng ta rất ít khi thấy tên các thành phần này trên bao bì sản phẩm nhưng lại do chúng được chứa trong các thành phần khác có trong mỹ phẩm.
PARABEN
nhóm chất Parabens được sử dụng trong mỹ phẩm chủ yếu cho mục đích bảo quản, đôi khi cả tạo mùi. Parabens rất dễ thâm nhập qua da và mô phỏng estrogen, gây ảnh hưởng tới nội tiết tố. Parabens được cho là có liên quan tới ung thư vú và bị hạn chế sử dụng bởi Liên Hiệp Châu Âu.
THUỐC NHUỘM GỐC THAN (COAL TAR DYES)
Bị xếp loại gây ung thư bởi IARC, thuốc nhuộm gốc than được tìm thấy trong các sản phẩm tạo mầu tóc và chăm sóc cá nhân với số lượng sản phẩm lên tới 5 con số (theo CI, FD&C và D&C). Ngoài việc gây ung thư, thuốc nhuộm gốc than con gây ra nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng. Rất nhiều loại thuốc nhuộm gốc than đã bị cấm sử dụng bởi Liên Hiệp Châu Âu và Canada.
TRICLOSAN
Triclosan được sử dụng để ngăn ngừa vi khuẩn nhưng chưa bao giờ chúng ta chứng minh được sự khác biệt trong việc tiêu diệt vi khuẩn giữa xà bông chứa triclosan và xà bông thường. Triclosan gây rối loạn kiểm soát nội tiết tố ở chuột và tiêu diệt các lợi khuẩn của cơ thể.
HYDROQUINONE
Thường được tìm thấy trong các sản phẩm làm sáng da, hydroquinone cũng được chứa trong các thành phần khác của mỹ phẩm. Liên quan đến ung thư và nhiễm độc cơ thể, hydroquinone được coi là một thành phần độc hại và đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm bởi Liên Hiệp Châu Âu.
BHT/BHA
Khi được sử dụng trong son môi, BHA có thể gây ung thư và rối loạn nội tiết tố. BHT gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp. Bộ Môi Trường Canada xếp loại cả BHA và BHT vào nhóm gây nguy hiểm đến sức khỏe con người trong kih IARC xếp BHA vào nhóm có thể gây ung thư.
FORMALDEHYDE
Formaldehyde có liên quan đến ung thư nếu tiếp xúc thường xuyên. Ở mức tiếp xúc ít hơn, nó có thể gây kích ứng, gây khó thở và dị ứng. IARC xếp loại formaldehyde như tác nhân gây ung thư.
CÁC NGUYÊN TỐ/KHOÁNG CHẤT VI LƯỢNG (TRACE ELEMENTS/MINERALS
Một vài công ty liệt kế khoáng chất vi lượng trong thành phần bởi luật không cấm sử dụng chúng. Các nguyên tố vi lượng được tìm thấy trong rất nhiều mỹ phẩm bởi vì thành phần gốc của chúng bắt nguồn từ khoáng chất tự nhiên. Các nguyên tố vi lượng bao gồm: chì, antimony, cadmium, selen, asen, crom … Sẽ vô cùng khó khăn để phân tích toàn bộ những nguy cơ gây ra bởi chúng bởi hàm lượng của các nguyên tố này trong mỹ phẩm thường không rõ ràng. Đến nay, mới chỉ có thủy ngân bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm (tại Mỹ)
OXYBENZONE
Thường được tìm thấy trong kem chống nắng, oxybenzone liên quan đến triệu chứng suy giảm nội tiết tố và phá hủy tế bào. Oxybenzone còn có thể gây ra chứng dị ứng ánh sáng ở một vài trường hợp đặc biêt và làm gia tăng khả năng hấp thu các hóa chất khác vào trong da nhờ khả năng thẩm thấu của mình.
POLYETHYLENE GLYCOL (PEG)
PEGs có thể chứa 1,4-dioxane và ethylene oxide. Giống như Oxybenzone, PEGs cũng làm gia tăng khả năng hấp thu các hóa chất khác vào trong da. PEGs không an toàn cho người có da bị tổn thương, và có thể gây biến đổi tế bào trong một số trường hợp.
CÁC CHẤT LÀM MỀM DA TỪ SILICON (SILICONE DERIVED EMOLLIENTS)
Các hợp chất từ silicone như cyclote trasiloxane (D4), cyclopentasiloxane (D5) gây vô sinh và liên quan đến nhiễm độc thần kinh. D4 có thể gây rối loạn nội tiết tố và suy yếu cơ quan sinh sản. Các chất này thường được liệt kê trên nhãn sản phẩm với cái tên “cyclomethicone”. Mặc dù các đề xuất cấm sử dụng đã được nêu ra nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức từ các nhà chức trách.
TOULENE
Toulene dễ bị nhiễm benzene (một tác nhân gây ung thư và nhiễm độc). Báo cáo của Liên Hiệp Châu Âu cho biết, toulene liên quan đến cân nặng khi sinh, làm chậm tốc độ lớn và phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ. Toulene bị hạn chế, không được chiếm quá 25% trong thành phần sản phẩm.
ĐÁ TAN (TALC)
Tương tự như toulene, đá tan dễ bị nhiễm amiăng (có trong vật liệu xây dựng). Thêm vào đó, đá tan có thể gây ngộ độc đường hô hấp. Liên Hiệp Châu Âu và Bộ Môi Trường Canada yêu cầu hạn chế sử dụng đá tan trong mỹ phẩm và xếp chúng vào nhóm gây hại cho sức khỏe. Có tới hơn 700 vụ kiện tại Mỹ liên quan đến hóa chất này.
1,3-BUTADIENE
1,3 Butadiene gây ung thư ở cả người và chuột thí nghiệm. IARC xếp loại 1,3 Butadiene vào nhóm 1, nhóm gây ung thư cho con người.
ALKYLPHENOLS
Thường được sử dụng trong sản phẩm làm sạch và chăm sóc tóc, alkylphenols hủy hoại nội tiết tố, mô phỏng estrogen, gây ra các phát triển bất thường ở tuyến vú, khiến gia tăng các khối u.
PETROLATUM
Bị cấm ở Châu Âu, petrolatum thường nhiễm polycyclic aromatic hydrocarbons (PACH). Các nghiên cứu chỉ ra rằng PACH liên quan đến ung thư nếu sử dụng thường xuyên. Thêm vào đó, PACHs gây kích ứng da và dị ứng. Bộ Môi Trường Canada liệt kê petrolatum vào nhóm nguy cơ cao đối với sức khỏe.
The An tổng hợp và dịch.
The An sử dụng giấy phép bản quyền quốc tế cung cấp bởi Creative Common: https://creativecommons.org/licenses/by-nc/4.0/ Người chia sẻ nội dung phải dẫn nguồn về nội dung gốc (link gốc) , không sử dụng nội dung cho mục đích thương mại. (Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International)