Đợt này An đang tìm hiểu hormone cơ thể và đang dịch một bài trắc nghiệm rất hay về nội tiết tố để giúp mọi người có thể xác định được mình có mất cân bằng nội tiết hay không. Đọc đến estrogen thì lại nhớ đến đậu nành. Đậu nành là loại thực phẩm rất quen thuộc, có mặt trong hầu hết các sản phẩm từ mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói, đến thực phẩm chức năng và các tác động của nó đến sức khỏe cũng gây tranh cãi rất nhiều. Vậy điều gì khiến đậu nành gây tranh cãi?
ESTROGEN là gì
estrogen là một hormone điều chỉnh hình dạng phái nữ ( ngực, hông, xương chậu thậm chí khuôn mặt) và kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Nó giữ da của bạn mềm mại, không có nếp nhăn, ngăn sự sụt giảm collagen, ngăn sự rụng tóc, giữ cho lông không phải triển quá mức, duy trì độ ẩm của âm đạo, mắt, miệng, giúp mắt sáng. Nó tăng cường ham muốn tình dục, tâm trạng tích cực.
Đậu nành chứa isoflavone, một phytoestrogen ( estrogen thực vật) có khả năng bắt chước estrogen tự nhiên cơ thể và kích hoạt các thụ thể estrogen trong tế bào làm thay đổi các biểu hiện gene. Vậy liệu isoflavone có thể phá hủy các hormone tự nhiên trong cơ thể không, đặc biệt có nhiều ý kiến cho rằng đậu nành làm tăng rủi ro ung thư vú và ung thư tuyến giáp?
Vậy đậu nành tốt hay “xấu” ?
Sau khi dành gần một ngày tìm hiểu thì An cũng không thể xác định được liệu đậu nành là tốt hay xấu, có rất nhiều nghiên cứu trái ngược nhau. Dưới đây là một bài trên CNN tháng 3/2018 được lược dịch tổng hợp lại trên news zing (bài viết gốc trên CNN được cập nhật, rõ ràng & chi tiết hơn, An sẽ dịch lại sau) mà có thể giúp bạn nắm bắt thông tin tốt hơn:
” Một nghiên cứu năm 1946 đăng trên tạp chí The Australian Veterinary Journal cho thấy cừu ăn cỏ ba lá giàu isoflavone tại Tây Australia gặp các vấn đề về sinh sản. Tác giả nghiên cứu viết: “Vấn đề sinh sản có vẻ hoàn toàn là do nguồn dinh dưỡng. Một khả năng khác là trong cỏ ba lá có chất làm tăng estrogen tự nhiên của chúng hoặc thúc đẩy tạo ra estrogen một cách bất thường”.
Theo nghiên cứu đó, vấn đề vô sinh của những con cừu này có thể là kết quả từ mất cân bằng hormone, gây ra do loại cỏ chúng ăn. Tuy nhiên, điều này mới chỉ được phát hiện ở cừu, chưa phát hiện ở con người.
Hai nghiên cứu trên động vật khác – một trên khỉ vào năm 1986 và một trên chuột vào năm 1987 – cho thấy chế độ ăn nhiều đậu nành khiến lá lách của chúng to ra, và có liên quan tới sự phát triển của ung thư lá lách trên các động vật này.
Trước các công bố này, Khoa Bệnh học Ung thư của Viện Ung bướu Quốc gia Mỹ đã tổ chức một hội thảo nhằm bàn luận về trạng thái của các nghiên cứu về mỗi quan hệ giữa đậu nành và nguy cơ ung thư.
Sau hội thảo, các nhà khoa học tham dự đã xuất bản một báo cáo trên tờ Cancer Research vào năm 1989. Họ viết rằng không có bằng chứng cho thấy thực phẩm không chứa đậu nành có tác động nước lại với lá lách của con người. Thay vào đó, các cộng đồng người có lượng đậu nành cao trong chế độ ăn lại có tỷ lệ ung thư lá lách giảm.
Trong những năm sau đó, các nhà nghiên cứu thường bác bỏ khả năng ngăn ngừa ung thư tiềm tàng của các thực phẩm từ đậu nành. Một trong những nghiên cứu đầu tiên cho rằng đậu nành có khả năng chứa những chất có khả năng chống ung thư, tạo ra tác động tích cực bảo vệ người dùng khỏi ung thư, được đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ vào năm 1991.
Tuy nhiên, mọi việc thay đổi vào năm 1996, khi một nghiên cứu trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers, & Prevention cho rằng việc tiêu thụ các protein từ đậu nành có thể kích thích sự sinh trưởng của tế bào ung thư vú.
Theo Tiến sĩ Kucuk, tranh cãi quanh việc đậu nành tốt hay không tốt cho ung thư xuất phát từ việc isoflavone trong đậu nành có thể mô phỏng estrogen trong cơ thể người và bám vào các thụ quan estrogen. Ông cho biết: “Cơ thể người có hai thụ quan estrogen: alpha và beta. Alpha là thụ quan xấu. Nếu bám vào thụ quan này, nguy cơ ung thư vú sẽ tăng lên, khiến tế bào ung thư vú phát triển. Nhưng beta thì lại có tác động trái ngược. Isoflavone đậu nành thường có xu hướng bám vào các thụ quan beta”.
Ông Kucuk cũng nói thêm rằng các nghiên cứu cho thấy phụ nữ ở những vùng tiêu thụ nhiều đậu nành, như Nhật Bản hay Trung Quốc, có xu hướng có tỷ lệ ung thư thấp hơn phụ nữ ăn theo chế độ dinh dưỡng phương Tây.
Tuy nhiên, tranh cãi về mối quan hệ giữa đậu nành và ung thư vẫn tiếp tục. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Cancer Research vào năm 2011 cho thấy isoflavone đậu nành có thể kích thích sự phát triển của tế bào ung thư vú lệ thuộc estrogen ở người.
Sau đó, một nghiên cứu khác trên tạp chí Cancer năm 2007 cho thấy không có sự liên hệ giữa đậu nành và ung thư vú. Thay vào đó, nghiên cứu này đề xuất rằng việc tránh tăng cân và giảm thức uống có cồn giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
Các nghiên cứu năm 2004 và 2009 cho thấy việc thay thế thức ăn chế biến sẵn trong chế độ ăn bằng đậu nành có thể giúp tránh tăng cân. Cũng trong khoảng thời gian này, protein và isodlavone từ đậu nành cũng thu hút sự chú ý nhờ có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) đăng trên tạp chí Circulation năm 2006 cho thấy “các sản phẩm từ đậu nành có thể có lợi cho tim mạch và sức khỏe nói chung do có mức chất béo chưa bão hòa, chất xơ, vitamin và khoảng chất cao, đồng thời chứa ít chất béo bão hòa”.
Tuy nhiên, đến năm 2008, AHA lại tuyên bố rằng không có đủ chứng cứ cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa đậu nành với khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo Jenna Stangland, một chuyên gia dinh dưỡng ở Minneapolis (Mỹ), cho biết: “Đậu nành có các chất chống oxy hóa, giúp giảm lượng LDL hay cholesterol xấu. Chúng không hẳn sẽ giúp tăng lượng cholesterol tốt, nhưng giúp giảm LDL, ngăn ngừa LDL oxy hóa. Khi LDL oxy hóa, chúng sẽ làm tắc nghẽn mạch máu của chúng ta”.
Đến giữa những năm 2000, các nhà nghiên cứu đưa ra thông tin về việc tiêu thụ đậu nành có thể ảnh hưởng tới chức năng của tuyến giáp. Các bằng chứng cho thấy đậu nành có thể can thiệp vào khả năng hấp thụ hormone tuyến giáp tổng hợp thường được dùng để điều trị tình trạng suy giáp. Nhìn chung, bệnh nhân nên chờ khoảng 4 tiếng sau khi uống thuốc tuyến giáp rồi mới sử dụng các sản phẩm đậu nành.
Các nghiên cứu cho thấy isoflavone trong sản phẩm đậu nành có thể góp phần ngăn ngừa một số bệnh ung thư liên quan tới hormone. Chế độ ăn có lượng đậu nành vừa phải trong giai đoạn trước khi trưởng thành có thể giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng ở phụ nữ.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho rằng việc ăn các thực phẩm từ đậu nành có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng mãn kinh nhất định, nhưng cũng có không ít nghiên cứu phản bác điều này. Việc dùng thực phẩm hay thực phẩm chức năng cung cấp isoflavone để ngăn ngừa hay điều trị ung thư không được đề xuất.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận vào năm 1999 rằng 25 g protein từ đậu nành mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, FDA lại đề xuất rút bỏ khẳng định này do chứng cứ từ 12 công trình nghiên cứu khoa học và đang trong giai đoạn lắng nghe các ý kiến phản bác”
Năm 2017, một nghiên cứu của tiến sĩ Fang Fang Zhang & các cộng sự cho thấy tiêu thụ đậu nành làm giảm tỷ lệ tử vong ung thư vú.
Bạn nên làm gì?
Đối với các loại thực phẩm gây tranh cãi như vậy, An thường không tiêu thụ quá nhiều. Không nên nghe quảng cáo của các bạn bán ” mầm đậu nành giúp đẹp da, nở ngực” rồi uống thật nhiều nhé. Nếu bạn nào hỏi An: các cụ dùng đậu nành mãi thì có sao đâu? thì phải xác định xem các cụ có dùng đậu nành thường xuyên như bây giờ không. Các cụ hẳn sẽ không dùng sữa đậu nành, rồi mầm đậu nành ( những loại chứa nồng độ đậu nành cao) hàng ngày rồi…& lúc đó đậu nành không có mặt ở khắp nơi như vậy.
ĐỌC THÊM: Mặt tối của đậu nành (bài viết của nhà nghiên cứu Kaayla Daniel) – https://theanorganics.com/blog/cham-soc-co-the/mat-toi-cua-dau-nanh/