Có hơn 84000 hóa chất đang được sử dụng trong ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, nhưng chỉ 1% trong đó được kiểm tra về tính an toàn. Tức là chúng ta đang sử dụng 83160 loại hóa chất khác nhau mà không biết chúng có an toàn hay không.
Đã có hơn 1000 hóa chất độc hại là thành phần thông thường và các chất bảo quản trong mỹ phẩm và các sản phẩm cá nhân đã bị cấm ở EU, trong khi ở Mỹ, FDA chỉ cấm khoảng 10. “Nhiều loại hóa chất bị cấm này được coi là an toàn với liều thấp”.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hiện không có thẩm quyền điều chỉnh các thành phần được sử dụng trong mỹ phẩm, cũng không yêu cầu kiểm tra tính an toàn trước khi các sản phẩm được bày trên kệ, hoặc để thu hồi các sản phẩm khi hóa chất độc hại được phát hiện. trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất mỹ phẩm hoặc thương hiệu. Đây là cách các công ty đưa sản phẩm của họ (có thể chứa các thành phần độc hại) vào tay của bạn, bởi vì họ không bắt buộc phải nộp dữ liệu về các thành phần hoặc báo cáo những nguy hại liên quan tới mỹ phẩm cho FDA.
Bởi vậy, việc học cách chọn hóa mỹ phẩm an toàn là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính bạn.
Ngày càng nhiều người tìm đến mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ để đảm bảo sự an toàn nhưng liệu nó có tốt như những lời quảng cáo?
Thế nào là mỹ phẩm TỰ NHIÊN (NATURAL)
Không có quy định pháp luật hoặc hướng dẫn cho các sản phẩm tự nhiên. Tự nhiên có nghĩa là sản phẩm đó chứa một hoặc một số thành phần từ trái đất như chiết xuất từ cây cối, khoáng chất…chúng không được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Một sản phẩm chứa 10% tự nhiên, còn lại là những chất không biết cũng có thể được gọi là tự nhiên vì không ai kiểm soát điều này cả.
Sản phẩm 100% tự nhiên thì không có các hóa chất thông thường như các mùi hương nhân tạo, chất bảo quản, chất màu và các chất phụ gia tổng hợp khác. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng là thành phần hữu cơ. Ví dụ như những lá chè xanh được phun đầy thuốc trừ sâu thì vẫn là tự nhiên.
Thế nào là mỹ phẩm HỮU CƠ (ORGANIC)
Ý tưởng chung đằng sau mỹ phẩm hữu cơ là các thành phần của nó được cho là càng gần thiên nhiên càng tốt.
Tuy nhiên, không có định nghĩa chính thức nào về mỹ phẩm hữu cơ. Tại Mỹ, không có tiêu chuẩn nào được FDA chấp thuận cho những sản phẩm đủ điều kiện là hữu cơ, và không có sự đồng thuận nào về thuật ngữ “hữu cơ” được công nhận trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Trừ trường hợp nó được công nhận bởi các tổ chức hữu cơ khác như USDA, NASAA, Cosmos organic, AUS-QUAL…Các tiêu chuẩn và yêu cầu đối với sản phẩm của từng tổ chức là khác nhau, mặc dù sự khác biệt này có thể là nhỏ, nhưng đều có quy định rõ ràng về nguồn gốc, quá trình trồng trọt, chế biến, các quy trình hóa học được sử dụng, chỉ định các thành phần được dùng và không được dùng.
Vì vậy nếu một sản phẩm được quảng cáo là “hữu cơ (organic)” mà không có logo hoặc chứng nhận hữu cơ của các tổ chức cấp chứng nhận thì chẳng có ý nghĩa gì cả, bởi nó có thể sử dụng một số các thành phần hữu cơ còn lại là các thành phần tổng hợp độc hại khác.
Điều này có ý nghĩa gì với bạn?
Ngay cả khi sản phẩm bạn mua nói rằng chúng không chứa thành phần độc hại thì bạn vẫn phải kiểm tra lại thành phần, nếu chọn sản phẩm hữu cơ hãy chọn loại có chứng nhận, tìm hiểu các logo hữu cơ có nghĩa gì, tìm hiểu về nhà sản xuất để xem họ có thực sự quan tâm đến tính an toàn sản phẩm không.
Sự khác nhau giữa sản phẩm được chứng nhận hữu cơ USDA và sản phẩm tự nhiên.
The An sử dụng giấy phép bản quyền quốc tế cung cấp bởi Creative Common: https://creativecommons.org/licenses/by-nc/4.0/ Người chia sẻ nội dung phải dẫn nguồn về nội dung gốc, không sử dụng nội dung cho mục đích thương mại. (Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International)