Rất nhiều bạn cho rằng da là lớp bảo vệ hiệu quả, ngăn chặn mọi thứ thâm nhập vào các tầng sâu hơn phía dưới da. Một số bạn khác, quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm và sức khỏe chứ không đơn thuần chỉ mỗi hiệu quả sản phẩm nghi ngờ quan điểm đó. Mình từng đọc đâu đó trên internet rằng 60% hóa chất trong mỹ phẩm có thể thâm nhập qua da vào đường máu. Đâu là đúng, đâu là sai ? Bài viết này cố gắng trả lời cho câu hỏi đó: các thành phần trong mỹ phẩm có thể xâm nhập vào đường máu hay không ?
I. Giải phẫu học về Da (Skin Anatomy)
Hãy cũng bắt đầu với một biểu đồ về da. Da người được cấu thành bởi khá nhiều lớp nhỏ, được chia thành lớp biểu bì (epirdemis), lớp trung bì nằm dưới lớp biểu bì (dermis), và lớp hạ bì nằm dưới cùng (hypodermis).
Lớp biểu bì là tầng bảo vệ đầu tiên của cơ thể, lớp trung bì bảo vệ chúng ta khỏi các thay đổi môi trường, còn lớp hạ bì có tác dụng lưu trữ chất béo và chứa các mạch máu. Mỗi lớp này lại được tạo ra bởi nhiều lớp nhỏ khác. Lớp biểu bì chứa 4-5 lớp nhỏ cho dù chỉ dày khoảng 0.5 – 1.5mm.
Các lớp nhỏ này lại được cấu thành bởi các tế bào cơ thể với cấu trúc rất phức tập, từ đó tạo lên nhiều lớp bảo vệ ngăn ngừa hóa chất xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên ý mình muốn nói chỉ là, bất kỳ hóa chất nào muốn xâm nhập vào đường máu chúng ta đều phải trải qua rất nhiều khó khăn, điều này không đồng nghĩa với câu trả lời không thể.
II. Dầu và nước không tan trong nhau.
Lớp ngoài cùng của lớp biểu bì, lớp sừng (the stratum corneum), ưa dầu (lipophilic hoặc oil-loving) và kỵ nước (water-hating). Đây là lý do tại sao chúng ta không bị ngấm nước vào cơ thể khi trời mưa hoặc đi tắm. Dầu thì lại dễ dàng thâm nhập qua lớp này. Các lớp bên dưới của lớp biểu bì dần dần chứa nhiều nước hơn, gây khó khăn cho dầu thâm nhập vào sâu hơn phía dưới da, vì dầu và nước không tan trong nhau.
Dầu bao quanh nước và ngăn nước bay hơi khỏi da, giúp da bạn cảm thấy mềm và mịn hơn. Da người lớn sản sinh ra lượng dầu ít hơn khi tuổi tác tăng dần, nên cần thoa dầu dưỡng da mặt mỗi ngày ít nhất một lần. Tương tự thế với da khô.
Liệu các mỹ phẩm chứa dầu có thâm nhập vào máu của bạn khi được bôi lên da hay không? Thường thì ít khi xảy ra việc đó. Có quá nhiều nước trong cơ thể người và quá nhiều lớp khác nhau của da giúp ngăn chặn chúng
Vì thế, ngành công nghiệp mỹ phẩm đã sử dụng một mẹo nhỏ để vượt qua lớp bảo vệ vững chắc của da – sự nhũ hóa: trộn lẫn nước với dầu để tạo ra một lớp nhũ. Cũng giống như bạn dùng trứng để trộn dầu và các thành phần chứa nước vào nhau khi làm mayonnaise, tất cả các loại kem và lotion về cơ bản đều là trộn dầu với nước cùng một chất tạo nhũ. Đó là lý do nhiều người thích dùng lotion cho da thay vì một lớp kem dày – lotion thẩm thấu qua da nhanh hơn rất nhiều so với kem.
Về cơ bản, các nhà khoa học mỹ phẩm có thể giữ các hợp chất chống lão hóa mà họ muốn đưa sâu vào da bằng cách trộn chúng vào nhũ tương của dầu và nước mặc dù còn phụ thuộc vào việc các hợp chất này phản ứng thế nào khi gặp nước và dầu. Đột nhiên, việc xâm nhập vào được máu trở lên dễ hơn hẳn. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là toàn bộ các loại kem, lotion và serum đều sẽ bị hấp thụ vào máu. Mức độ hấp thụ còn phụ thuộc vào kích thước phân tử, độ hòa tan, dung dịch nhũ tương chứa hóa chất đó (nói đơn giản hơn, sản phẩm làm đẹp của bạn) và cách mà các hóa chất này phản ứng với các enzymes trong da bạn.
Da có cơ chế tự bảo vệ không ?
Có. Da chúng ta là một cơ quan sinh học được trang bị bởi rất nhiều cơ chế tự phòng vệ khác nhau. Một số hóa chất không thể thâm nhập vào cơ thể ta vì kích thước phân tử của chúng quá lớn. Số khác vẫn nằm trên bề mặt da vì chúng có thể bám vào các chất khác trên da hoặc ngay chính các tế bào da.
Tuy nhiên, các chất không xâm nhập qua da vẫn có khả năng gặp được những enzymes giúp chúng phá hủy tế bào da hoặc sản sinh ra chất độc cho da. Một số hóa chất, như các este acid phthalic, hoạt động của enzyme mạnh đến mức hóa chất được hấp thụ hoàn toàn qua da (Hotchkiss, 1994).
Có những enzyme trên da có thể hoạt hóa hoặc khiến các hóa chất trở lên độc hại. Năm 1775, một bác sỹ người Anh tên Percivall Pott lưu ý thấy sự gia tăng ung thư ở những người dọn ống khói thông qua tiếp xúc qua da với polycyclic aromatic hydrocarbons trong bồ hóng. Gần đây hơn, các nhà khoa học đã xác nhận rằng hydrocarbons vốn vô hại nhưng các enzymes trên da đã chuyển đổi chúng thành các hợp chất có thể phá vỡ tế bào và gây ra ung thư.
Chúng ta biết rằng các enzymes trên da cũng có thể hoạt hóa và giảm hoạt tính rất nhiều dược phẩm và hợp chất ngoại sinh như các hóa chất tự nhiên trong cơ thể con người như hormones, steroids, và các chất trung gian gây viêm. Hoạt động của những enzyme trên da này, tuy vậy, có thể khác biệt trên từng cá nhân và độ tuổi (Hotchkiss, 1994).
Nói cách khác, da bảo vệ chúng ta khỏi sự xâm nhập của một số hóa chất trong khi lại để ngỏ cửa cho một số khác.
Chúng ta khác biệt nhau.
Nếu những nội dung trên chưa đủ rắc rối, thì bản thân mỗi người chúng ta lại có nhóm da tùy theo độ tuổi, màu da và môi trường sống. Ngay cả khí hậu, mùa cũng ảnh hưởng đến khả năng chống chọi với các hóa chất khác nhau của da. Ngay cả những vận động ta thực hiện hàng ngày cũng ảnh hưởng đến cách hóa chất thâm nhập qua da và bị hấp thụ vào cơ thể.
Lấy massage da bằng tinh dầu làm ví dụ. Massage da với nhiều tinh dầu có thể tăng khả năng thâm nhập qua da bởi việc massage làm tăng lượng máu lưu thông ở nơi được massage. Mặc dù rất nhiều tinh dầu chứa một lượng lớn các hợp chất hóa học có ích cho việc kháng viêm và tái tạo da, một số khác lại chứa các chất gây kích ứng và viêm.
Những người bị rối loạn da như viêm da hoặc da quá khô có khả năng nhạy cảm với một số loại hóa chất đã thâm nhập sâu vào các lớp bên trong của da họ.
Tỷ lệ thâm nhập của hóa chất qua da cũng bị ảnh hưởng bởi khu vực da chịu ảnh hưởng. Lớp da dưới bàn chân của chúng ta rất dày, trong khi da ở mi mắt lại mỏng. Tỷ lệ hấp thụ trên da mặt và da đầu cao hơn từ 5-10 lần so với các phần khác trên cơ thể (Hotchkiss, 1994)
Một số hóa chất đọng lại trên da.
Một số hợp chất hóa học đọng lại trên da và đóng vai trò như một kho chứa, được mở ra (hoặc không) tùy theo điều kiện nhất định. Thiết kế của một số dược phẩm cụ thể cân nhắc điểm này – ví dụ: salicylic acid được tìm thấy khi bài tiết lâu hơn khi thoa lên da so với khi tiêm trực tiếp (WHO, 2006).
Các sản phẩm làm đệp cũng được thiết kế sao cho thành phần của chúng được giữ trên các lớp bề mặt của da. Các nhà hóa học mỹ phẩm không muốn chúng thâm nhập vào đường máu của bạn vì điều đó khiến sản phẩm của họ trở thành dược phẩm, trong khi mục tiêu của họ là làm đẹp và hỗ trợ cho làn da của bạn.
Cùng lấy ví dụ về ánh nắng mặt trời – bạn cần các thành phần chống tia UV ở trên bề mặt da. Hoặc ví dụ về kem làm sáng da – một số thành phần nhất định cần xuống đến lớp hạ bì để ngăn chặn enzyme tạo ra melanin, trong khi các thành phần khác sẽ ở trên bề mặt da để tạo ra hiệu ứng làm sáng da. Các thành phần chống oxy hóa và chống lão hóa ? Chúng cần nằm ở lớp biểu bì và trung bì để mang lại hiệu quả cao nhất.
Tuy thế, điều này không có nghĩa rằng các nhà hóa học mỹ phẩm biết mọi thứ. Da là một cơ quan sinh học phức tạp trong khi ngành mỹ phẩm sử dụng đến hàng ngàn hóa chất khác nhau. Lấy nước hoa làm ví dụ – các sản phẩm làm đẹp này chứa ethanol gây tăng cường hấp thụ qua da. Nghiên cứu chỉ ra rằng một số hóa chất nhất định được tìm thấy trong hương liệu có mức hấp thụ cao (Hotchkiss, 1994)
Pizza có thể bị hấp thụ qua da hay không?
Rõ ràng là có những cách và phương thức cụ thể để một hóa chất nhất định có thể thâm nhập vào đường máu. Da chúng ta không phải những tấm vải chống thấm hoặc plastic. May mắn là cơ thể chúng ta có những cơ chế tự bảo vệ có thể lọc bỏ một phần các hóa chất đó. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta an toàn tuyệt đối. Đọc thành phần của sản phẩm, cố gắng tìm hiểu kỹ xem bạn đang chuẩn bị hấp thụ những chất nào vào da, cơ thể
Cách tốt nhất là tự hỏi bản thân bạn xem liệu da bạn có cần đến những hợp chất đó không. Chúng có thể chỉ được dùng trong chốc lát nhưng không có nghĩa là chúng an toàn. Với trẻ nhỏ, lời khuyên của mình là không sử dụng bất kỳ sản phẩm làm đẹp nào cho các con, bất kể có gắn nhãn dành cho trẻ em hay không.
Danh sách tài liệu tham khảo của bài viết:
Cal, K. 2006. Skin penetration of terpenes from essential oils and topical vehicles. Planta Med. 2006 Mar;72(4):311-6.
Förster, M., Bolzinger, M., Fessi, H., Briançon, S. 2009. Topical delivery of cosmetics and drugs. Molecular aspects of percutaneous absorption and delivery. Eur J. Dermatol. 2009; 19 (4): 309-323.
Hotchkiss, S. 1994. How thin is your skin?: Skin seemed like such a good way of keeping the outside world at bay until toxicologists started to worry about the harmful chemicals that breach the barrier. New Scientist.
Personal Care Truth, 2011 – The Impermeable Facts of Skin Penetration and Absorption http://
WHO (World Health Organization), 2006. Dermal Absorption.http://www.who.int/ipcs/