Da là cơ quan lớn nhất cơ thể. Một trong những chức năng chính của da là rào cản ngăn cách giữa môi trường với các cơ quan bên trong cơ thể. Khi còn nguyên vẹn, nó bảo vệ chúng ta khỏi bị mất nước quá mức vào môi trường và ngăn chặn các tác nhân lây nhiễm, như vi khuẩn và virut, cũng như các chất có hại khác xâm nhập vào cơ thể.
Rào cản chính của da nằm ở lớp ngoài cùng của da, lớp vỏ thượng bì ( lớp sừng_ stratum corneum, là lớp ngoài cùng của tầng biểu bì).
Nó thực hiện chức năng này bằng cách kết hợp các tế bào dày đặc, một lớp lipid và lớp axit (acid mantle).
Gần như không thể tin được rằng các chức năng phức tạp và quan trọng như vậy xảy ra trong một phần da có chiều rộng khoảng một nửa chiều rộng của một sợi tóc.
Tầng biểu bì của da gồm có 5 lớp:
– Lớp đáy (stratum basale), lớp dưới cùng của tầng biểu bì
– Lớp gai
– Lớp hạt
– Lớp bóng
– Lớp tế bào sừng ( stratum corneum), lớp trên cùng có chức năng chính là rào cản của da.
Tầng biểu bì của da là một mô năng động, liên tục tự làm mới. Các tế bào sừng bong tróc khỏi bề mặt da được cân bằng bởi sự tăng trưởng tế bào ở các lớp dưới.
Lớp tế bào sừng ( stratum corneum) là các tế bào phẳng gọi là corneocytes, chúng bắt đầu sự sống từ lớp tế bào đáy được gọi là keratinocytes. Các tế bào keratinocytes ra khỏi lớp tế bào đáy, di chuyển qua các lớp biểu bì khác nhau, theo thời gian chúng sẽ thay đổi về cấu trúc và thành phần. Cuối cùng chúng biệt hóa thành tế bào corneocytes là các tế bào phẳng, đã chết, không nhân ( chứa đầy sợi keratin và nước) và được nhúng trong một ma trận lipid kị nước ( hydrophobic lipid matrix). Ngay cả khi chết thì các hoạt động sinh học vẫn diễn ra.
Các tế bào dưới lớp tế bào sừng phóng thích lipid, tạo thành một lớp bao quanh các tế bào sừng corneocytes (xếp chồng lên nhau giống các viên gạch).
Lớp lipid này bao gồm :
– 50% ceramide,
– 25% Cholesterol
– 25% axit béo thiết yếu.
Lớp lipid này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa mất nước từ da và ngăn ngừa sự xâm nhập của các hóa chất không mong muốn vào da.
Lipid của lớp stratum corneum cũng khác với lipid của tuyến bã nhờn.
Các loại chất tẩy rửa mạnh hay các chất hóa học khắc nghiệt, dễ gây kích ứng có thể loại bỏ các phần của lớp lipid cũng như ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cấu trúc lớp lipid, gây ra sự gián đoạn chức năng rào cản của da. Khi lớp lipid bị thiếu hoặc hư hại, da trở nên mất nước, ảnh hưởng đến việc bong tróc bình thường các tế bào từ bề mặt lớp vỏ corneum và dẫn đến da khô và sần sùi.
Màng axit ( acid mantle) trên bề mặt da có tác dụng làm rào cản đối với vi khuẩn và các chất gây nhiễm có thể xâm nhập vào da. Bã nhờn được tiết ra bởi tuyến bã (sebacous gland ) khi trộn với mồ hôi sẽ trở thành lớp vỏ axit. Lớp màng axit này có độ pH nằm trong khoảng 4.5 – 6.2 ( độ pH thay đổi theo độ tuổi), nó rất cần thiết để duy trì các vi sinh vật tốt trên bề mặt da và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại như p.acnes ( liên quan đến mụn trứng cá) và nấm men gây bệnh nấm. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành chính xác của lớp lipid xung quanh tế bào corneocytes.
Chất tẩy rửa dựa trên nền xà phòng có thể có tính chất kiềm (ngược với axit) có thể làm xáo trộn lớp vỏ axít.
Có thể thấy rằng ba thành phần tạo nên chức năng rào cản da phụ thuộc lẫn nhau và những thay đổi bất lợi trong một thành phần sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ chế rào cản khác. Chức năng rào cản có thể được cải thiện bằng cách sử dụng các sản phẩm chăm sóc da duy trì độ pH trên da, tăng cường lớp lipid, cải thiện sự phát triển của tế bào và làm ẩm bề mặt da.
The An sử dụng giấy phép bản quyền quốc tế cung cấp bởi Creative Common: https://creativecommons.org/licenses/by-nc/4.0/ Người chia sẻ nội dung phải dẫn nguồn về nội dung gốc, không sử dụng nội dung cho mục đích thương mại. (Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International)